Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

Đại gia' chen chân hưởng trợ cấp thất nghiệp


Từng là nhân viên công ty xây dựng với thu nhập trên 60 triệu đồng mỗi tháng, giờ đây anh Quốc Việt đi đăng ký để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Không ít người từng có thu nhập "khủng" cũng đang làm tương tự.

Chăm chú điền thông tin vào hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp tại Trung tâm giới thiệu việc làm TP HCM, quận Bình Thạnh sáng 17/2, anh Quốc Việt, từng là nhân viên ở một công ty xây dựng ở quận 7 đã tới lui 3 lần vẫn chưa hoàn tất hồ sơ. Cách đây một năm, lương cơ bản của anh lên tới 10 triệu đồng, cộng thêm hoa hồng, phụ cấp, thu nhập hàng tháng của anh thường trên 60 triệu đồng. Hiện công ty anh vừa cắt giảm 30% nhân sự và không còn bất kỳ khoản phụ cấp nào, sau khi đã giảm 40% lao động vào cuối năm ngoái do hoạt động kinh doanh khó khăn.

Công ty còn khuyến khích nhân viên tự nguyện xin nghỉ. Thậm chí phòng nhân sự hứa sẽ chuẩn bị hồ sơ để nhân viên có đủ giấy tờ cần thiết xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, ngay sau khi chấm dứt hợp đồng.
Nộp hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm thành phố. Ảnh: B.H.
Lo phải nghỉ dài hơi, tài chính lại đang eo hẹp nên anh cố "bám" theo bảo hiểm thất nghiệp. "Thời điểm này, được đồng nào hay đồng nấy. Chính vì vậy, dù mất nhiều thời gian hoàn tất thủ tục, nhưng nghĩ lại được hưởng 60% tiền lương trên hợp đồng, trong 3 tháng liền, tức 6 triệu đồng mỗi tháng cũng đáng công đi", anh lý giải.
Ngồi chờ tới lượt nộp hồ sơ, chị Nga, làm việc ở một công ty hóa chất ở quận 12 tính toán, từ nay phải thắt chặt chi tiêu sao cho chỉ dùng trong khoản tiền được trợ cấp, hoặc chỉ thâm lạm ngân sách riêng một chút. Với mức lương 10 triệu đồng ở công ty cũ (chưa tính phụ cấp khác), chị định tìm nơi làm mới cũng phải tương đương hoặc cao hơn. Song, cả tuần nay, nhờ bạn bè, người thân giới thiệu, chị vẫn chưa tìm được việc, nơi nào cũng than đang trong cảnh khó khăn, chưa có nhu cầu tuyển thêm.
"Ngồi chờ hàng giờ đồng hồ, phải đi tới lui nhiều ngày, đã nhiều lần tôi định bỏ cuộc nhưng nghĩ đi nghĩ lại, hồ sơ mình có đủ, trung tâm không thể không giải quyết, đành kiên nhẫn chờ thêm", Nga lý giải.
Người có thu nhập trên chục triệu đồng một tháng tới đăng ký cao hơn hẳn các năm trước. Ảnh: B.H.
Từ bỏ công việc nhân viên kinh doanh 12 năm ở một công ty chuyên về tự động hóa, quận 10 và định lập công ty riêng, song anh Tăng Tấn Phú vẫn quyết định nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo anh, khoản tiền trợ cấp này không nhiều so với mức lương cơ bản hàng tháng 9 triệu đồng (chưa có phụ cấp, hoa hồng, có khi gấp đôi mức lương). Bản thân anh cũng không túng quẫn tới mức cần dựa vào trợ cấp để sinh sống nhưng đó là khoản tiền chính đáng mà một người hiện chưa tự mình làm ra đồng nào như anh cần được nhận.
"Tôi không ngại ngần gì, vẫn mặc trang phục chỉn chu như đi làm, kiên nhẫn bổ sung đủ giấy tờ cần thiết để hoàn chỉnh hồ sơ hưởng trợ cấp, vì đó là quyền lợi của mình", anh nói.
Ông Nguyễn Cao Thắng, Phó giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm thành phố cho biết, số lao động đăng ký thất nghiệp từ sau Tết tăng mạnh. Bình quân mỗi ngày có khoảng 400 lượt người đến đăng ký, cao hơn hẳn tháng đầu năm (gần 9.000 người).
Theo ông, từ giữa năm ngoái, lượng người nộp hồ sơ đã tăng mạnh, có lúc hơn 13.000 hồ sơ. Kinh tế khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp ở các ngành nghề cơ cấu lại nhân sự, giảm chi phí. Chính vì vậy, không phải chỉ có người thu nhập thấp mà cả những lao động thu nhập cao hàng chục triệu đồng mỗi tháng cũng tới nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp. Đối tượng này xuất hiện nhiều hơn so với thời điểm cách đây 2, 3 năm và có cả những lao động từng làm việc trong các ngành đình đám trước đây như bất động sản, chứng khoán, xây dựng.
Tuy nhiên, theo ông, nhiều người nhầm lẫn cho rằng, với thu nhập cao, ví dụ: 20 triệu đồng một tháng, được hưởng bảo hiểm thất nghiệp 60%, tức sẽ nhận 12 triệu đồng mỗi tháng là không đúng. Luật bảo hiểm xã hội quy định mức đóng tối đa là 20 lần tháng lương tối thiểu (830.000 đồng). Như vậy dù thu nhập 50 triệu đi nữa thì mức thu nhập để đóng bảo hiểm thất nghiệp chỉ dừng lại ở 16,6 triệu đồng. Do đó, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp kịch trần hàng tháng dừng lại ở 166.000 đồng. Kể cả thu nhập cao tới đâu, bảo hiểm thất nghiệp chỉ trả cao nhất là 9,96 triệu đồng.
"Từ tháng 11 năm ngoái tới nay, đã có một số trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp với mức kịch trần 9,96 triệu đồng một tháng", ông Thắng cho biết. Người lao động được hưởng trợ cấp trong 3 tháng (nếu đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng), được hưởng 6 tháng (nếu có đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng) và 12 tháng trong trường hợp đóng bảo hiểm từ 144 tháng trở lên.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét