Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Bộ Y tế lo dịch chồng dịch


Từ giữa năm ngoái đến nay, số bệnh nhân tay chân miệng tiếp tục tăng cao. Cúm H5N1 trở lại sau gần 2 năm vắng bóng với 2 ca mắc và đều tử vong. Dịch sốt xuất huyết tại miền Nam cũng bắt đầu tăng tốc.

Trước thực tế nhiều dịch bệnh xảy ra cùng một lúc, ngày 22/2, Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch phòng, chống dịch năm 2012. Hội nghị có sự tham gia của đại diện Sở Y tế các tỉnh, thành và hệ thống y tế dự phòng các tỉnh miền Bắc, Trung và Tây Nguyên...

Ông Viên Quang Mai, Phó viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho biết, dịch bệnh tay chân miệng trong những tháng đầu năm 2012 có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Khu vực miền Trung cũng đã có ca tử vong đầu tiên trong năm.
“Khó dự báo được diễn biến của dịch tay chân miệng, vì thế cần phải chuẩn mọi biện pháp để đối phó. Dịch diễn biến bất thường ở phía Bắc, như tại Hải Phòng, số ca mắc tiếp tục tăng. Phía Nam dịch cũng tăng tại một vài điểm, tuy nhiên tỷ lệ tử vong lại cao hơn phía Bắc”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Bệnh nhi tay chân miệng đang được điều trị tại bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông
Trong năm 2011, vào đợt cao điểm, mỗi tuần cả nước ghi nhận 2.500-3.000 trẻ mắc tay chân miệng, số ca mắc cao kéo dài đến cuối tháng 12. Dịch tiếp tục tăng khi sang những tháng năm 2012 với 900-1.000 ca mắc một tuần.
Bệnh lây truyền rộng rãi do lây qua tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết họng. Bệnh chưa có văcxin phòng cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Việc giảm ca bệnh phụ thuộc rất nhiều vào hành vi vệ sinh của các bậc cha mẹ cũng như người chăm sóc trẻ.
Ngoài ra, dự báo năm nay sốt xuất huyết sẽ tăng theo chu kỳ vì năm ngoái giảm. “Bên cạnh đó còn phải kể đến các dịch bệnh như viêm não mô cầu, viêm màng não. Việc chẩn đoán và phát hiện sớm các ca bệnh gặp nhiều khó khăn vì phải lấy máu hoặc dịch não tủy. Điều này chỉ làm được khi người dân đến bệnh viện nên việc sàng lọc, phát hiện từ cộng đồng rất hạn chế”, ông Mai nói.
Ông Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng dịch tễ, Cục thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì cho biết, hiện cúm gia cầm đã lan ra 12 tỉnh, thành, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có 9 tỉnh. Dự đoán năm nay dịch sẽ bùng phát mạnh vì 3 lý do.
Thứ nhất, qua chương trình giám sát phát hiện 30 tỉnh có tỷ lệ lưu hành virurs cúm gia cầm cao lên đến 4,13%, thậm chí có tỉnh đến 18% như Hà Tĩnh. Trong khi năm ngoái, tỷ lệ lưu hành trung bình chỉ là 1,6%, nơi cao nhất cũng chỉ có 6%. Thứ hai là do ảnh hưởng của thời tiết lạnh nhiều, độ ẩm cao. Thứ ba là trong năm 2011, việc tiêm phòng chỉ thực hiện ở 13 tỉnh phía Nam. Các tỉnh phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, virus biến đổi không còn đáp ứng với văcxin. Miền Nam lại có khó khăn về số lượng gia cầm, thủy cầm lớn nhất nước nên nguy cơ lây sang người là rất lớn.
Cũng vì thế, dịch cúm H5N1 trên người cũng hết sức khó đoán. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, theo dự báo, khó có khả năng xảy ra đại dịch nhưng có thể xảy ra thêm một số hoặc nhiều trường hợp mắc. Thế nhưng, kiến thức, hiểu biết của người dân về bệnh cũng như cách phòng tránh còn hạn chế. Ngay tại khu vực xảy ra dịch cúm trên gia cầm, nhiều người dân vẫn giết mổ, sử dụng thịt gia cầm ốm, chết.
Thứ trưởng Long cho rằng, không thể coi nhẹ bất cứ dịch bệnh nào. Vì thế, ngay từ đầu năm, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, xây dựng các điểm giám sát trọng điểm 3 bệnh là: tay chân miệng, viêm màng não do não mô cầu và cúm. Trong đó, sốt xuất huyết thì vẫn nằm trong kế hoạch giám sát trọng điểm từ trước. Đồng thời rà soát lại hệ thống điều trị, trang thiết bị, tập huấn cho nhân viên y tế…
Trong khi đó, thực tế, hệ thống giám sát, báo cáo dịch bệnh còn chậm trễ. Có địa phương ghi nhận trường hợp mắc nhưng xã chậm báo lên huyện, tỉnh, đến khi lên tới trung ương phải mất 3 tuần nên việc khống chế dịch gặp nhiều khó khăn.
“Cái khó nhất hiện nay là làm thế nào để người dân tự giác khai báo đến cơ quan chức năng khi nhà có gia cầm, thủy cầm ốm chết; tự giác rửa tay bằng xà phòng, thực hiện việc ăn chín uống sôi. Có như vậy mới có khả năng ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm bệnh sang người. Nhưng trên thực tế việc thay đổi hành vi, thói quen này lại vô cùng khó khăn. Đến phụ nữ mang thai mà còn ăn thịt gia cầm chết dẫn tới tử vong vì mắc cúm H5N1 như trường hợp ở Sóc Trăng vừa qua”, tiến sĩ Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chia sẻ.
Theo các chuyên gia, cần sự phối hợp giữa chính quyền, ngành y tế và cả người dân, mới hy vọng có thể giảm được các dịch bệnh.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét