Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Các trường nghệ thuật kiến nghị bỏ thi môn Văn


Cho rằng nghệ thuật là ngành đặc thù, môn Văn chỉ nên xem là điều kiện, hiệu trưởng một số trường nghệ thuật kiến nghị Bộ GD&ĐT bỏ thi môn Văn và cho phép trường tự chủ trong tuyển sinh.

Tại hội nghị hiệu trưởng các trường đại học vừa được tổ chức, nhiều vấn đề quan trọng mùa tuyển sinh 2012 đã được đưa ra thảo luận.

Hiệu trưởng ĐH Sân khấu Điện ảnh Trần Thanh Hiệp kiến nghị, nên bỏ môn Văn cho các trường năng khiếu. Ông Hiệp cho biết, từ năm 1980, trường luôn được Bộ Giáo dục cho quyền tự chủ, tự ra đề tuyển sinh 2 môn năng khiếu và Văn. Đến năm 2009, theo quy định của Bộ trường phải thi Văn theo khối C.
"Đặc thù các ngành nghệ thuật tương đối khác. Có em thi vào trường điểm Văn khá nhưng không múa hát được. Có em chỉ được 1,5 điểm Văn nhưng điểm năng khiếu cao, rất có tài nên trường có thể chấp nhận", ông Hiệp nói.
Ông Hiệu trưởng dẫn chứng thêm, năm 2003 có một nghệ sĩ thi trượt đại học vì điểm Văn thấp, nhưng ngay sau đó lại được phong nghệ sĩ nhân dân. Từ thực tế đó, Hiệu trưởng Trần Thanh Hiệp cho rằng, môn Văn đối với trường nghệ thuật nói chung chỉ nên là môn điều kiện, thi cũng được, không thi cũng không sao và chỉ mang tính chất tham khảo.
Một số hiệu trưởng trường nghệ thuật đề nghị môn văn chỉ nên xem là môn điều kiện cho thí sinh thi ngành năng khiếu. Ảnh: Hoàng Hà.
"Năm nay Bộ quyết định có thêm A1 thì tại sao chúng tôi không thể có khối S1, bỏ môn Văn, chỉ thi năng khiếu để tạo tối đa cơ hội cho những em có tài, có khả năng được thử sức. Như vậy, các em thi khối C cũng có thể đến trường điện ảnh thi thêm sau khi thi đề chung", thầy Hiệp đề xuất.
Hiệu trưởng ĐH Văn hóa Hà Nội Nguyễn Văn Cương kiến nghị, đối với các trường văn hóa nghệ thuật, nên cho phép tuyển sinh đặc thù. Khi đó, các trường tự ra đề, tuyển sinh thành nhiều đợt, tuyển thẳng những sinh viên xuất sắc đã tốt nghiệp cao đẳng văn hóa nghệ thuật và những thí sinh đã lọt vào chung kết các cuộc thi nghệ thuật.
Đồng ý với kiến nghị môn Văn chỉ nên là môn điều kiện đối với thí sinh thi vào các trường nghệ thuật, nhưng Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương Phạm Lê Hòa lại đánh giá, Văn học có vai trò rất lớn không chỉ với khối nghệ thuật mà ở tất cả ngành.
Người đứng đầu trường Sư phạm nghệ thuật giải thích, Văn học từ xưa đã là nhân học, các nghệ sĩ đều là người giỏi văn và các ca khúc cũng được tạo nên từ ca từ. Nếu như chỉ tuyển sinh năng khiếu mà bỏ qua Văn, học sinh không thể phát triển tốt bởi "viết không nên câu thì còn làm được gì?".
"Thực tế ở ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương, có những em đã thi vào được rồi nhưng trình độ Văn vẫn rất tệ, viết cái đơn cũng không được nên chúng tôi phải dạy thêm môn tiếng Việt thực hành để các em viết được câu có đủ chủ vị", thầy Lê Hòa cho hay.
Ông đề xuất, Bộ GD&ĐT nên cho phép các trường nghệ thuật tuyển sinh theo hai hướng, hoặc là thi năng khiếu và xét điểm môn Văn theo học bạ (với điều kiện phải làm tốt giáo dục phổ thông, điểm là thực chất). Cách khác là vẫn tổ chức thi môn Văn nhưng đề thi có thể dễ hơn đề khối C bởi những ngành cần trình độ khác nhau thì đề thi không cần giống nhau.
Về quy định nghiêm cấm các trường đại học, học viện không được đào tạo hệ trung cấp, Giám đốc Nhạc viện TP HCM Văn Thị Minh Hương nhận định là không hợp lý. Bà giải thích, ở Nhạc viện TP HCM, thời gian học trung cấp kéo dài tới 9 năm. Nếu không có học sinh trung cấp thì trường khó có nguồn tuyển vào đại học, đặc biệt các em học năm thứ 5-6 số lượng hiện nay rất ít. Vì vậy, bà đề nghị Bộ Giáo dục cần nghiên cứu lại quy định này.
Về vấn đề chỉ tiêu Bộ giao cho các trường khối Văn hóa - Nghệ thuật, bà Hương cũng cho rằng chưa thỏa đáng. Theo bà, hiện nay nhu cầu xã hội hóa trong các trường năng khiếu, đặc biệt là khu vực phía Nam rất cao. Học phí bậc đại học đang ở mức 3,95 triệu đồng mỗi năm, trung cấp là 2,765 triệu đồng một năm, so với mặt bằng chung là thấp.
"Ở những trung tâm bồi dưỡng âm nhạc, mỗi tháng các em trung cấp phải đóng một triệu đồng và các em sẵn sàng đóng cao hơn. Ngoài ra, khi Bộ ra chỉ tiêu sẽ gây mất cân đối về ngành bởi ngành nhu cầu nhiều thì chỉ tiêu ít, ngành không có nhu cầu lại thừa chỉ tiêu. Nếu Bộ vẫn giữ chỉ tiêu như vậy sẽ rất thiệt cho các trường", bà Hương nói.
Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết sẽ tiếp thu tất cả ý kiến đóng góp của lãnh đạo các trường, sẽ sắp xếp thời gian làm việc với ĐH Sân khấu Điện ảnh để bàn bạc và quyết định liên quan đến việc môn thi và hệ đào tạo cho các trường nghệ thuật.
Tại hội nghị tuyển sinh tổ chức ngày 14/2 tại thư viện Tạ Quang Bửu (ĐH Bách khoa Hà Nội), Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga thông báo dự kiến lộ trình tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy như sau:
- Từ nay đến 2015: Tiếp tục giữ ổn định công tác tuyển sinh theo giải pháp 3 chung, có điều chỉnh, bổ sung khối thi, tổ hợp khối xét tuyển, tạo sự linh hoạt cho các trường và nhiều cơ hội thuận lợi cho thí sinh.
- Giai đoạn 2016-2019: Chỉ tổ chức thi tuyển sinh một đợt, nhiều môn, trong đó 2 môn công cụ bắt buộc là Toán, Văn. Các môn còn lại là tự chọn, các trường quy định tổ hợp môn thi xét tuyển cho từng ngành đào tạo.
- Từ năm 2020 trở đi: Khi luật giáo dục đi vào cuộc sống, sự phân tầng đại học được thực hiện và công tác kiểm định chất lượng đi vào nề nếp, việc tuyển sinh sẽ chỉ diễn ra ở các trường tốp đầu, trường theo định hướng nghiên cứu. Các trường còn lại sẽ xét tuyển dựa trên kết quả học tập phổ thông.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét