Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Lái xe buýt không cho hành khách xuống đúng bến


Dù đã đề nghị được xuống đúng bến đến 2 lần nhưng tôi và nhiều hành khách vẫn bị lái xe cản trở.

Hưởng ứng chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải về việc sử dụng các phương tiện công cộng khi di chuyển trong thành phố Hà Nội, đông đảo người dân thành phố, kể cả ở nội và ngoại thành, đã và đang chọn các tuyến xe buýt làm phương tiện. Phải nói rằng, đi xe buýt có nhiều lợi ích không chỉ đối với hành khách mà còn đối với xã hội.
Lái xe buýt không cho hành khách xuống

Đối với hành khách, đi xe buýt rất tiết kiệm. Giá vé tháng liên tuyến đối với đối tượng không thuộc diện ưu tiên chỉ có 80.000 đồng, còn đối với đối tượng không ưu tiên là 50.000 đồng.
Trong bối cảnh đời sống khó khăn, kinh tế đắt đỏ, với thu nhập khiêm tốn của những người cán bộ công chức, công nhân viên và lao động phổ thông hiện nay thì việc sử dụng xe buýt để di chuyển trong thành phố cũng phần nào tiết kiệm được chi phí hàng ngày.
Đối với xã hội, việc người người cùng tham gia sử dụng xe buýt cũng giảm bớt “gánh nặng” của các cơ quan chức năng trong việc giải quyết “nạn tắc đường” hiện nay. Tuy nhiên, đi xe buýt cũng có những vấn đề không thuận như tình trạng chen lấn, mất nhiều thời gian… song người đi xe vẫn có thể khắc phục.
Ấy vậy mà một vài yếu tố bất cập của phía nhà xe (lái xe và nhân viên bán vé) đang hàng ngày xảy ra đó đây trên một số tuyết xe trong thành phố đã khiến những hành khách nhiệt huyết “hưởng ứng” cuộc vận động của Bộ Giao thông Vận tải không thể không thất vọng và chán nản nghĩ đến việc phải “từ” xe buýt.
Tôi xin kể một câu chuyện thực tế điển hình sau đây.
Là một cán bộ viên chức nhà nước, anh N.T.T, nhà ở Phúc Yên - Vĩnh Phúc, hàng ngày đều đi xe buýt tuyến 58 của hãng BY (tuyến Long Biên - Mê Linh) để đi làm. Thời kỳ đầu khi mới đi xe buýt, anh T đã rất hào hứng. Thậm chí đến cơ quan, anh T còn kể những mẩu chuyện vui được chứng kiến trên xe cho đồng nghiệp nghe.
Anh T cũng hết lời nói về những tiện ích và vận động đồng nghiệp sử dụng xe buýt để đi làm. Song có lẽ anh T “thức khuya đã biết đêm dài”. Dường như những mẩu chuyện vui ngày càng giảm đi và thay vào đó là sự bực bội, thất vọng hàng ngày đều xuất hiện trên khuôn mặt anh.
Sáng 15/2, khi đến cơ quan, anh T chả nói chả rằng. Đồng nghiệp anh gợi hỏi mãi anh mới cho biết anh vừa bị lái xe tuyến buýt nhanh 58, chiều đi từ Mê Linh đến Long Biên, cư xử thiếu văn hóa và khiêu khích.
Sự việc là khi đến bến đón trả buýt nhanh tại điểm Đông Ngạc (khoảng 6h55, ngày 15/2), lái xe không dừng xe để hành khách xuống, mặc dù trước khi đến bến, anh T và một số hàng khách đã rời ghế, đi đến gần cửa xuống.
Anh T đã bấm đèn báo xuống, nhưng đèn hỏng. Lúc này, nhân viên bán vé nói vọng từ đầu xe xuống là “đèn hỏng, ai xuống thì bảo nhé”. Ngay sau đó, anh T đã nói: “Cho tôi xuống điểm này”.
Khi xe qua bến Đông Ngạc mà không dừng, anh T đã đề nghị lái xe dừng cho xuống thì bị lái xe phản ứng mắng to: “Sao xuống không bảo”. Anh T đáp: “Tôi đã bảo cho tôi xuống bến này ngay khi các anh thông báo ‘đèn xe hỏng, ai xuống thì bảo’ rồi còn gì”. Người lái xe bật lại: “Ông chửi ai đấy?”.
Người lái xe lúc này vẫn tiếp tục cho xe chạy. Tâm sự với đồng nghiệp, anh T bày tỏ sự bất bình khi nhìn lại đằng sau, anh thấy nhiều hành khách là sinh viên, học sinh đang ngơ ngác nhìn theo không hiểu vì sao xe không dừng đón khách để đến trường cho kịp giờ học.
Đến bến tiếp theo của buýt nhanh 58 (sau bến Đông Ngạc), lái xe dừng đón khách, nhưng không mở cửa sau cho anh T và những người khách cùng lỡ bến xuống. Lúc này, anh T lại phải “đề nghị” lái xe mở cửa mới được xuống.
Vụ việc sau đó được anh T phản ánh đến trung tâm điều hành xe buýt và tuyết 58 qua đường dây nóng 04. 3958 3666 và 0929 335 960. Anh T cho biết hai nhân viên nhận được phản ảnh chỉ trả lời “sẽ phản ảnh lên ban lãnh đạo buýt BY”.
Ngoài ra, anh T cho biết thêm buýt 58 thường thu tiền của khách mà không đưa vé, xe chạy nhưng không bật quạt thông gió bất kể trời nóng hay đông người…
Người viết bài này muốn gửi đến những người có trách nhiệm và cơ quan chức năng cần chỉnh đốn lại đạo đức của những lái xe buýt thường có thái độ không đúng mực với hành khách và xử lý những vi phạm qui định của ngành vận tải công cộng nhằm hoàn thiện hơn chất lượng phục vụ hành khách trong thời kỳ mới.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét