Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

VPF khiếu nại lên Thanh tra Chính phủ


Chứng tỏ mình không nói suông, sáng nay Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) gửi đơn khiếu nại với ba nội dung tới Thanh tra Chính phủ và Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch.


Các ông bầu trong VPF đang chứng tỏ mình không nói suông, khi tiếp tục đòi phải xem lại hợp đồng chuyển nhượng thương quyền bóng đá. Ảnh: T.Q.
Các ông bầu trong VPF đang chứng tỏ mình không nói suông, khi tiếp tục đòi phải xem lại hợp đồng chuyển nhượng thương quyền bóng đá. Ảnh: T.Q.
Ngay từ đầu công văn, VPF đã viện dẫn Khoản 1, điều 74 Điều lệ VFF năm 2010: "Liên đoàn bóng đá Việt Nam và các thành viên là những chủ sở hữu đầu tiên của tất cả các quyền lợi xuất phát từ các giải đấu...". Điều luật này chứng tỏ rằng VFF không phải là chủ sở hữu duy nhất và có toàn quyền chuyển nhượng thương quyền bóng đá, như kết luận của Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch.
Không chỉ Điều lệ VFF, mà trong Luật Thể dục Thể thao cũng quy định các CLB là chủ sở hữu giải thể thao. VPF còn viện dẫn nhiều điều luật tại Quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2011, Bộ luật Dân sự... Theo quy định tại những văn bản này, VFF phải "chia sẻ và thống nhất cùng các CLB bóng đá khai thác quyền thương mại hiện có trên nguyên tắc đạt hiệu quả cao nhất".
Nội dung khiếu nại thứ hai của VPF nhằm vào việc bán thương quyền đội tuyển quốc gia. Do VFF chỉ có quyền quản lý, chứ không phải chủ sở hữu thương quyền các đội tuyển quốc gia, nên việc bán toàn bộ thương quyền các đội tuyển quốc gia không thông qua đấu giá là vi phạm các quy định về bán tài sản Nhà nước, theo lập luận của VPF.
Các nội dung khiếu nại khác là chuyện bán thương quyền thiếu minh bạch, không tạo ra sự cạnh tranh có lợi cho VFF và các CLB. Việc VFF chỉ thu được 6 tỷ đồng một năm (lũy tiến 10% một năm) trong thời hạn 20 năm là sự thiệt hại rất lớn cho bóng đá Việt Nam.
VPF tiết lộ, ngay khi thành lập, họ đã liên hệ với Truyền hình Việt Nam và nhận được sự ủng hộ, cam kết hợp tác với quyền lợi đem lại cho bóng đá Việt Nam cao hơn gấp nhiều lần so với hợp đồng mà VFF đã bán cho AVG.
Những nội dung khiếu nại này đã được VPF gửi tới Thanh tra Chính phủ và Bộ Văn hóa Thể thao vào sáng nay. Cùng thời điểm đó, VFF đã có hai công văn gửi VPF và các Đài truyền hình yêu cầu các đơn vị này tuân thủ đúng hợp đồng chuyển nhượng thương quyền mà VFF đã ký với AVG.
Chiều qua 16/2, trong cuộc gặp với báo chí, lãnh đạo VPF đã bày tỏ sự không hài lòng với kết luận của Thanh tra, và khẳng định sẽ tiếp tục khiếu nại.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét