Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

Robot xoa dịu nỗi đau sóng thần Nhật


Những con robot hải cẩu chính là vũ khí mới nhất trong cuộc chiến chống lại sự suy sụp tinh thần của những người sống sót sau thảm họa sóng thần ở Nhật.


Bà nội trợ Kumagai bên con robot hải cẩu Paro trong một ngôi nhà tạm ở Kesennuma, tỉnh Miyagi, hôm 11/2. Ảnh: AFP
Paro là tên của con robot hải cẩu được chuyển tới cho những người dân bỗng chốc rơi vào cảnh mất nhà trong cơn sóng thần cao 15m vào ngày 11/3/2011. Con robot dễ thương này có thể mang lại nhiều xúc cảm cho con người, khi nó tạo nên những âm thanh nhỏ và vẫy chân vây mỗi lần có người chạm vào.
"Nó thật đáng yêu. Nó thủ thỉ mỗi khi cháu vuốt ve nó", bé trai 10 tuổi Kosei Oyama nói. "Sau trận sóng thần, chúng cháu có ít thứ để chơi hơn trước đây".
Tsuyako Kumagai, một bà nội trợ 47 tuổi, chia sẻ rằng các bạn của bà ở khu nhà tạm đều rất vui khi Paro đóng vai trò là sự thay thế cho những con thú cưng, vốn đã bị cơn sóng thần hùng dữ cuốn đi. "Nhiều hàng xóm của tôi không muốn có những vật nuôi mới, vì họ không muốn nhớ lại ký ức buồn", bà Kumagai nói. "Với họ, những con thú cưng từng là thành viên gia đình".
Những con robot hải cẩu vừa được chuyển tới cho những người dân sống trong các khu nhà tạm, được dựng nên trong một sân bóng chày ở thành phố cảng Kesennmuma thuộc tỉnh Miyagi, một khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa sóng thần.
Với nhiều người sống sót sau thảm họa, nhiều thứ đã tốt hơn trước, nhưng vẫn còn rất lâu nữa mới có thể trở lại như trước ngày 11/3 năm ngoái.
"Tôi đã mất tất cả những gì làm ra trong suốt cuộc đời", ông Hiroshi Onodera, 51 tuổi, nói. Ông Onodera mất người cháu trai và toàn bộ ngôi nhà vì sóng thần. Ông hiện sống cùng mẹ trong một ngôi nhà tạm, và cảm thấy bị cô lập với cộng đồng ngày nào.
Hai em bé người Nhật vui vẻ chơi đùa với robot hải cẩu Paro. Ảnh: AFP
"Khi chúng tôi còn ở trong khu sơ tán khẩn cấp, có rất nhiều người cùng sống tại đó. Nhưng từ khi mọi người được đưa tới những khu nhà tạm, chúng tôi bị phân tách ra và đều trải qua một thời gian mệt mỏi về tinh thần", Onodera tâm sự. "Bởi thế, thật là tuyệt khi có một nơi để chúng tôi có thể hàn gắn những vết thương tinh thần". Người đàn ông 51 tuổi muốn nói tới ngôi nhà cộng đồng, nơi có những con robot hải cẩu.
Những robot hải cẩu, được trang bị nhiều cảm biến âm thanh và chuyển động, vốn đã được sử dụng tại các bệnh viện hoặc các trại dưỡng lão, như một liệu pháp chữa trị dành cho những người cao tuổi bị trầm cảm hoặc suy giảm trí nhớ.
Ngoài những con robot hải cẩu, các nhà tổ chức của chương trình xoa dịu nỗi đau sóng thần còn có những lựa chọn khác cho các nạn nhân sống sót sau thảm họa, trong đó có những người máy xoa bóp đầu hay thậm chí là một quầy lễ tân do người máy phục vụ.
"Việc duy trì sợi dây liên lạc cho người dân là rất quan trọng", ông Kazuhiro Kojima, một nhà nghiên cứu của Viện Công nghệ và Khoa học Công nghiệp Tiên tiến, nơi phát triển Paro, nói.
Sau trận động đất ở Kobe năm 1995, số lượng người bị trầm cảm hoặc gặp những vấn đề về sức khỏe tinh thần tăng nhanh. Một trong những nguyên nhân chính là vì rất nhiều người trong số này bị mất nhà sau cơn địa chấn.
Theo chính phủ Nhật Bản, khoảng 325.000 người vẫn sống trong những ngôi nhà tạm, chủ yếu là ở phía bắc nước này, ở thời điểm gần một năm sau thảm họa kép. Rất nhiều người trong số này mất nhà trong thảm họa động đất sóng thần, trong khi nhiều người khác bị buộc phải bỏ nhà cửa để đi di tản vì sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.
Các nhà nghiên cứu cho hay những giải pháp kỹ thuật có thể giúp làm giảm tác động tinh thần của thảm họa năm ngoái. "Chúng tôi hy vọng các robot sẽ mang lại cho người dân cơ hội tái thiết cộng đồng của họ", ông Kojima nói. "Sự hỗ trợ tinh thần sẽ trở thành một vấn đề quan trọng. Tôi hy vọng các robot sẽ làm nên chuyện".

0 nhận xét:

Đăng nhận xét